Hoi suc cap cuu

Từ khi có oxy kế theo mạch đập để theo dõi độ bão hòa oxy, nhiều bệnh nhân suy hô hấp đã được phát hiện sớm, xử trí kịp thời. Theo dõi độ bão hòa oxy theo mạch đập là thủ thuật không xâm lấn, dễ làm, không có tai biến, giá thành rẻ so với xét nghiệm khí máu động mạch. Việc theo dõi này rất quan trọng, là tiêu chuẩn chăm sóc ở các bệnh nhân khoa hồi sức cấp cứu.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

 Từ khi có oxy kế theo mạch đập để theo dõi độ bão hòa oxy, nhiều bệnh nhân suy hô hấp đã được phát hiện sớm, xử trí kịp thời. Theo dõi độ bão hòa oxy theo mạch đập là thủ thuật không xâm lấn, dễ làm, không có tai biến, giá thành rẻ so với xét nghiệm khí máu động mạch. Việc theo dõi này rất quan trọng, là tiêu chuẩn chăm sóc ở các bệnh nhân khoa hồi sức cấp cứu [4]. Độ bão hòa oxy theo mạch đập (SpO2) được coi là chỉ số sinh tồn khi tiếp cận bệnh nhân cấp cứu. Trong phần lớn các trường hợp, độ bão hòa oxy theo mạch đập tương đương độ bão hòa oxy máu theo phân tích khí máu động mạch (SaO2) nên người ta có thể đo độ bão hòa oxy máu qua xét nghiệm khí máu động mạch hoặc thông qua đo độ bão hòa oxy mạch đập (pulse oximetry) [1], [2]. Tuy nhiên chỉ số SpO2 không phản ánh đầy đủ tình trạng hô hấp bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân suy hô hấp nặng nguy kịch, bệnh nhân tụt huyết áp.

Chính vì thế chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này với mục tiêu khảo sát mối tương quan giữa SpO2 và SaO2, từ đó rút ra chỉ định theo dõi SpO2 và khí máu động mạch áp dụng trong lâm sàng.

II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu:

– Chọn ngẫu nhiên 60 bệnh nhân đến khám và điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Giao thông vận tải TW thời gian từ tháng 6/2011 đến 12/2011 được theo dõi độ bão hòa oxy theo mạch đập và xét nghiệm khí máu động mạch.

– Tiêu chuẩn loại trừ: Bệnh nhân ngộ độc khí CO, tiêm xanh methylene.

2. Phương pháp nghiên cứu:

Mô tả tiến cứu

3. Phương tiện nghiên cứu:

– Máy monitor SureSigns VM8 (Hãng Philips), Intellivue MP30 (Hãng Philips).

– Máy Oxymetry Rad-5(Hãng Masimo).

– Máy phân tích khí máu động mạch i-STAT1 (Hãng Abbott).

4. Thu thập xử lí số liệu:

 – Thông số SpO2 đo được từ máy Monitor, Oxymetry cầm tay tại khoa HSCC.

– Kết quả SpO2 ghi nhận từ trung bình SpO2 tại 3 thời điểm: 15 phút trước khi lấy máu động mạch, tại thời điểm lấy máu động mạch và sau 15 phút sau lấy máu động mạch làm xét nghiệm khí máu.

– Thông số SaO2 đo được từ máy khí máu động mạch iSTAT1 làm tại khoa HSCC.

– Thông số liên quan: tuổi, giới, bệnh lý, huyết áp.

– Số liệu thu thập theo bệnh án mẫu.Xử lí số liệu trên phần mềm SPSS 16.0. Sử dụng thuật toán thống kê, tính tương quan Pearson giữa hai đại lượng SpO2 và SaO2.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

1. Đặc điểm nhóm nghiên cứu:

– Giới tính:     Nam:   35

                             Nữ:      25

– Tuổi: Trung bình 72,2 ± 12,7 tuổi; nhỏ nhất 38 tuổi; lớn nhất 90 tuổi.

2. Tương quan giữa SpO2 và SaO2:

Có sự tương quan chung giữa độ bão hòa oxy theo mạch đập và độ bão hòa oxy theo phân tích khí máu với R = 0,738; p = 0,001(biểu đồ 1). Đặc biệt ở nhóm bệnh nhân không có tụt huyết áp, sự tương quan chặt chẽ với R = 0,947; p = 0,001 (biểu đồ 2). Trái lại, ở nhóm bệnh nhân tụt huyết áp, hai đại lượng này không có tương quan với R = 0,260; p = 0,469 (biểu đồ 3).

Biểu đồ 1: Sự tương quan giữa SpO2 và SaO2 ở cả nhóm bệnh nhân nghiên cứu

Tuong quan giua SaO2 va SpO2_1

Biểu đồ 2: Sự tương quan SpO2 và SaO2 ở nhóm bệnh nhân không tụt huyết áp

 Tuong quan giua SaO2 va SpO2_2

Biểu đồ 3: Sự tương quan giữa SpO2 và SaO2 ở nhóm bệnh nhân tụt huyết áp

 Tuong quan giua SaO2 va SpO2_3

IV. BÀN LUẬN

Từ kết quả nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy độ bão hòa oxy theo mạch đập và độ bão hòa oxy theo phân tích khí máu có tương quan với R= 0,738; p= 0,001. Điều này cũng phù hợp nghiên cứu của các tác giả Van de louw A [8], Nguyễn Văn Sinh [2].

Ở những bệnh nhân không có tụt huyết áp, sự tương quan này là chặt chẽ với R= 0,947, p= 0,001.

Ở nhóm bệnh nhân tụt huyết áp, độ bão hòa oxy theo mạch đập không phản ánh đúng độ bão hòa oxy theo phân tích khí máu. Theo nghiên cứu của chúng tôi , khi bệnh nhân tụt huyết áp, hệ số tương quan giữa SpO2 và SaO2 thấp với R= 0,260; p= 0,469. Điều này được giải thích do khi huyết áp tụt làm mạch nhanh nhỏ khó bắt hoặc không bắt được làm giảm tuần hoàn ngoại biên, thiếu oxy tổ chức dẫn đến cảm nhân của bộ phận nhận tín hiệu máy khi kẹp trên đầu ngón tay không chính xác, từ đó cho kết quả phản ánh sai, không giống với kết quả độ bão hòa oxy phân tích khí máu.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với nghiên cứu của Gavin D Perkins và cộng sự: sự thay đổi SpO2 không song hành, không tiên lượng xác thựcsự thay đổi SaO2 ở những bệnh nhân sốc nặng [6]. Bởi vậy theo dõi liên tục SpO2 cũng không đủ đảm bảo để đánh giá tình trạng oxy tổ chức khi bệnh nhân có tụt huyết áp.

Giá trị độ bão hòa oxy là một thông số so sánh giữa lượng oxy thực đang được hemoglobin vận chuyển so với lượng oxy mà hemoglobin có thể vận chuyển được [1].Theo Ashfag Hasan, SpO2 được xác định bởi PaO2, nhìn chung PaO2 cao thì SpO2 cao, tuy nhiên tương quan này không tuyến tính [3].

Mặt khác, kết quả khí máu động mạch chỉ cung cấp các dữ liệu tại thời điểm lấy mẫu máu xét nghiệm và kết quả vẫn có thể dao động ở những bệnh nhân ổn định ngay cả khi không có bất kỳ sự thay đổi nào về điều trị hoặc tình trạng lâm sàng [5]. Do kết quả khí máu chỉ là số đo tại một thời điểm, không phải là một quá trình nên ít có giá trị cảnh báo sớm, là chỉ số muộn của suy hô hấp [7]. Vì vậy cần kết hợp với theo dõi SpO2.

V. KẾT LUẬN

Độ bão hòa oxy theo mạch đập và độ bão hòa oxy trong phân tích khí máu có mối tương quan tuyến tính chặt chẽ. Theo dõi độ bão hòa oxy máu theo mạch đập là kỹ thuật không xâm lấn, dễ thực hiện, an toàn và kinh tế hơn so với xét nghiệm khí máu động mạch. Bởi vậy theo dõi SpO2 cho các bệnh nhân nặng, đặc biệt bệnh nhân khoa Hồi sức cấp cứu là cần thiết. Tuy nhiên ở các bệnh nhân tụt huyết áp thì SpO2 ít có giá trị. Cho dù được theo dõi liên tục thì SpO2 không thể thay thế xét nghiệm khí máu động mạch ở các bệnh nhân nặng nguy kịch. Cần kết hợp chặt chẽ theo dõi SpO2 với lâm sàng và xét nghiệm khí máu ở nhóm bệnh nhân này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Đạt Anh và cộng sự, Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng (2011), Nhà xuất bản Y học, trang 582- 594.
  2. Nguyễn Văn Sinh và cộng sự, Mối tương quan giữa SpO2 và SaO2 (2009), Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang. www.bvag.com.vn
  3. Ahfag Hasan, Understanding Mechanical Ventilation, Apractical Handbook.
  4. Applied ph‎iology in intensive care medicine (2009), chương 1, trang 45-48.
  5. Dean R Hess, Rert M. Kacmarek, Essentials of mechanical ventilation (1996), The McGraw-Hill Companies, chương 26.
  6. Gavin D Perkin, Daniel F McAuley: Do change in pulse oximeter oxygen saturation predict equivalant changes in arterial oxygen saturation. Crit Care (2003); 7(4), 67-71.
  7. Tobin MJ, Respiratory monitoring, JAMA (1990); 264: 244-251.
  8. Van de Louw, Cracco A at all, Accuracy of pulse oximetry in the intensive care unit. Intensive care Med 2001, 27:1606-1613.

(Theo “Đề tài khoa học: Nghiên cứu mối tương quan giữa SpO2 và SaO2 ở bệnh nhân Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện GTVT Trung ương từ tháng 6/2011 đến 12/2011”)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.